[Dược điển] Thảo quả (Fructus Amomi aromatici)

Quả chín đã phơi khô của cây Thảo quả (Amomum aromaticum Roxb.), họ Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả

Quả hình bầu dục dài, đôi khi có 3 góc tù, dài 2 – 4,5 cm, đường kính 1,5 – 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu đến nâu hơi đỏ, có rãnh và cạnh gờ dọc, đầu quả có vết tích của vòi nhuỵ hình tròn nhô lên, phần đáy có cuống quả hoặc sẹo cuống quả. Vỏ quả, chất bền, dai. Bóc lớp vỏ quả thấy bên trong ở phần chính giữa có màng vách ngăn màu nâu hơi vàng, phân chia khối hạt thành 3 phần, mỗi phần có khoảng 8 – 11 hạt; các hạt hình nón, đa diện, đường kính khoảng 5 mm, mặt ngoài màu nâu có màng áo hạt trắng hơi xám phủ ngoài. Hạt có một sống noãn có rãnh dọc và một rốn hạt lõm ở đỉnh nhọn. Chất cứng, nội nhũ màu trắng hơi xám. Có mùi thơm đặc trưng, vị cay và hơi đắng.

Vi phẫu

Mặt cắt ngang của hạt: Tế bào mô mềm của áo hạt chứa hạt tinh bột. Tế bào biểu bì của vỏ hạt cứng màu nâu hình chữ nhật với thành tương đối dày, hạ bì gồm một lớp tế bào mô mềm có chứa các chất màu vàng; một hàng tế bào gần vuông hoặc hình chữ nhật; dài 42 – 162 μm theo chiều tiếp tuyến và 48 – 68 μm dài theo hướng xuyên tâm; có chứa những giọt tinh dầu màu vàng; lớp sắc tố gồm có vài hàng tế bào nhỏ màu nâu. Vỏ lụa gồm một hàng tế bào đá, hình giậu, màu nâu hơi đỏ ở thành bên, thành trong dầy lên nhiều, khoang nhỏ chứa viên silic. Tế bào ngoại nhũ chứa hạt tinh bột và một số cụm tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Tế bào nội nhũ chứa hạt alơron và hạt tinh bột.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

Bản mỏng Silica gel G.

Dung môi khai triển: n-Hexan – ethyl acetat (17 : 3).

Dung dịch thử: Lấy phần tinh dầu đã cất khi định lượng (xem mục định lượng) hòa tan trong ethanol (TT) thành dung dịch có chứa 50 μl trong 1 ml.

Dung dịch đối chiếu: Hòa tan cineol trong ethanol để được dung dịch có nồng độ 20 μl trong 1 ml. Có thể dùng tinh dầu Thảo quả (mẫu chuẩn), pha như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 1 μl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 5% trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 105 °C trong vài phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải vết màu xanh da trời có cùng giá trị Rf với vết cineol trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Nếu dùng tinh dầu Thảo quả làm dung dịch đối chiếu thì trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 12 %.

Tạp chất

Không qúa 1%.

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 1,4% tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, hái quả chín, loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Bào chế

Thảo quả nhân: Lấy Thảo quả, loại bỏ tạp chất, cho vào nồi sao lửa nhỏ đến màu vàng xém và hơi phồng, lấy ra để nguội, bỏ vỏ cứng, sàng lấy hạt. Khi dùng giã nát.

Khương Thảo quả nhân: Lấy hạt Thảo quả, thêm nước gừng, trộn đều, cho vào nồi sao nhỏ lửa đến khô, để nguội. Khi dùng giã nát. Cứ 10 kg hạt Thảo quả dùng 1 kg Gừng tươi.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh tỳ, vị.

Công năng, chủ trị

Táo thấp, ôn trung, trừ đàm, triệt ngược. Chủ trị: Thượng vị đau trướng, tức bĩ, nôn mửa do hàn thấp, sốt rét.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 – 6 g, dạng thuốc sắc.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận