Rau giúp cung cấp chất xơ, vitamin, chất chống oxi hóa… Thiếu rau, con người sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề.
TS Cao Thị Thu Hương (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay, đối với người mắc bệnh mãn tính không lây (tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp) và cả người bình thường, rau và trái cây là điều không thể thiếu.
Với những người tiểu đường, cần giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể, điều này luôn khiến họ có cảm giác đói và muốn ăn. Lúc này, rau, hoa quả sẽ giúp người đó không có cảm giác đói và muốn ăn, từ đó hạn chế được lượng tinh bột ăn vào.
“Ngay trong bữa ăn, gồm: Cơm, thức ăn mặn cung cấp đạm và rau. Với những người bị tiểu đường, cao huyết áp thì không nên ăn cơm trước như thường lệ, mà nên ăn rau trước để “lót dạ”, giảm sự “thèm” tinh bột, chuyển hóa từ từ tinh bột thành gluco. Nếu bữa cơm thiếu rau, quá trình chuyển hóa sẽ không tốt” – TS Thu Hương chia sẻ.
Dùng trái cây để thay thế hoàn toàn rau không phù hợp với khoa học dinh dưỡng. Ảnh minh họa
Theo TS Hương, đối với người mắc bệnh tim mạch, chất xơ từ rau rất quan trọng. Chất xơ có hai loại hòa tan và không hòa tan. Chất xơ không hòa tan sẽ tiêu hóa ra ngoài cơ thể, nó góp phần tạo khuôn phân và giúp người đó cảm thấy dễ chịu. Người bị tiểu đường, tim mạch bị táo bón sẽ rất khó chịu.
Chất xơ hòa tan rất tốt cho mạch máu, nó làm cho yếu tố cholesterol xấu được hòa tan, giảm lắng đọng trong cơ thể.
Hiện, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo ít nhất 1 người cần 5 đơn vị rau, hoa quả mỗi ngày, nhưng kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015 lại cho thấy, hơn một nửa người Việt ăn thiếu rau, trái cây.
Cụ thể, WHO khuyến nghị ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây (khoảng 400g) hàng ngày để phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Trong khi, 63% nam giới và 51% nữ giới lại thiếu. So với kết quả điều tra năm 2010, tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Hiện nay, trong bữa ăn gia đình, hoa quả đã trở thành một thứ không thể thiếu. Một số người lo lắng rau xanh không đảm bảo về an toàn thực phẩm và có thể bớt lượng rau ăn vào ít đi một chút hoặc không ăn rau cũng được nhưng trái cây nhất định phải có và coi nó như một thức ăn thay thế rau xanh. Tuy nhiên dùng trái cây để thay thế hoàn toàn rau lại không phù hợp với khoa học dinh dưỡng.
Ăn ít hoa quả, rau, nhưng người Việt lại ăn rất nhiều muối. Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình 1 người Việt tiêu thụ 9,4 g muối /ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (dưới 5g/người/ngày).
Trong khi đó, việc ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác… Kết quả điều tra chỉ ra 70% người dân cho rằng họ chỉ ăn lượng muối vừa phải. Điều này cho thấy người dân chưa biết rằng hiện tại họ đang ăn quá nhiều muối.
Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm được thực hiện năm 2015 với sự tham gia của gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18-69, tiến hành từ tháng 8-10/2015 tại 63 tỉnh/thành. Đây là điều tra lớn nhất từ trước đến nay.
Kết quả điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng, để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện kế hoạch và đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 – 2025.
Võ Thu
Nguồn: giadinh.net.vn