[Tiêu hóa] Apxe Gan Do Giun Đũa

GS. Nguyễn Xuân Thụ


Đây là loại apxe do viêm đường mật điển hình với vi khuẩn đường ruột. Nằm trong đường mật, giun sẽ gây ra các ổ apxe, các ổ apxe này cũng không rõ lí do tại sao thường hay khu trú tại phân thùy VIII và II. Do đó, có nguy cơ hình thành apxe dưới cơ hoành và thủng qua màng ngoài tim gây viêm mủ màng ngoài tim.

Hay gặp ở trẻ còn bú, khoảng 3 tuổi trở xuống, trẻ lớn ít bị hơn. Biểu hiện lâm sàng là thiếu máu và suy dinh dưỡng thể phù, nhưng kèm theo đó bệnh nhi thường sốt cao, dao động về chiều và đêm, có rét run (nung mủ sâu); song nếu khám toàn thân sẽ thấy gan to và đau, bề mặt hơi chắc và lổn nhổn. Hỏi lại tiền sử, thì thường là quá trình bệnh liên tục mà khởi đầu bệnh nhi đang bình thường đột nhiên đau bụng dữ dội, quằn quại (xoay đủ mọi tư thế, bắt mẹ bế vác chạy quanh nhà, có khi cấu xé quần áo, cắn cả vào vai mẹ). Hiện tượng đau bụng khoảng 1 tuần đến 1 tháng trước khi đến bệnh viện. Khi đau bắt đầu giảm thì nhiễm khuẩn đường mật càng nặng, tình trạng càng suy sụp; thiếu máu và suy dinh dưỡng. Nên nhớ là trẻ càng nhỏ, kích thước mật quản chính trong và ngoài gan đều bằng hoặc nhỏ hơn chiều dài của giun đũa cho nên sớm gây nhiễm khuẩn mật quản và apxe gan.

X quang ổ bụng: gan sa, gan to, đôi khi thấy bóng hơi trong các ổ apxe trong gan, đôi khi thấy có mức nước – hơi nhỏ của apxe dưới cơ hoành (thận trọng tránh lầm chẩn đoán với tràn mủ màng phổi; apxe dưới hoành thường là do apxe ở thùy VIII vỡ ra).

Điều trị Apxe gan do giun đũa: nâng cao thể trạng (cho ăn dinh dưỡng cao), kháng sinh, truyền máu nếu cần, tẩy giun trước mổ (đề phòng giun lên lại ống mật sau mổ).

Mổ: mở ống mật chủ, chụp điện trong khi mổ, lấy hết giun, dẫn lưu Kehr. Đối với apxe dưới hoành phải, mổ phía sau đề dẫn lưu bằng cách cắt xương sườn XII và dẫn lưu ngoài phế mạc và phúc mạc.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận