Tôi sinh con đầu lòng nên cũng chưa có nhiều kiến thức về chăm sóc em bé. Mong chuyên mục cho biết, mùa nắng nóng trẻ em hay mắc bệnh gì? Làm sao để phòng tránh?
Trà Giang (Quảng Ninh)
Trẻ em có cơ địa rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là khi có sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ từ lạnh sang nóng hay ngược lại. Vào mùa nắng nóng, thời tiết hanh khô làm cho độ ẩm trong không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn… dễ bùng phát và tấn công khiến trẻ rất dễ mắc bệnh vì trẻ em có sức đề kháng còn yếu.
Những bệnh trẻ em hay mắc trong mùa nắng nóng gồm:
1. Tiêu chảy: Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy cấp, do nắng nóng thức ăn dễ bị ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh khi mùa nắng nóng.
2. Ngộ độc thức ăn: Thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ, đúng cách và việc chế biến thức ăn cho trẻ không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường như nhà trẻ, mẫu giáo, trường mầm non.
3. Viêm đường hô hấp cấp tính: Thời tiết oi bức làm bùng phát những căn bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm mũi xuất tiết, viêm Amiđan, viêm VA… hầu hết nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi là do nhiễm siêu vi trùng. Khi bị bệnh, trẻ thường bị sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, thậm chí nhức đầu, buồn nôn, nôn… khiến trẻ mệt đừ và khó ăn uống. Một số trường hợp có thể do bị nhiễm vi khuẩn, thường gặp nhất là vi khuẩn Haemophilus influenzae típ b (viết tắt Hib) và phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumonia), khi thấy trẻ bệnh, phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
4. Nhiễm siêu vi: Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khuẩn khiến trẻ bị sốt, phát ban, nhức đầu, nhức mắt, biếng ăn, mệt mỏi hay lừ đừ vì trẻ thường bị sốt cao, một số trẻ có biểu hiện như buồn nôn hay nôn rất nhiều khiến cha mẹ rất lo lắng… Hiện có hơn 200 chủng siêu vi được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 – 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, cũng có một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ cần chú ý như siêu vi gây bệnh Sốt xuất huyết, siêu vi gây bệnh tay chân miệng, siêu vi sởi, siêu vi úm, siêu vi gây bệnh thủy đậu…
Chuyên gia tư vấn Kim Mai/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn: giadinh.net.vn