Trẻ lên bàn phẫu thuật, đừng quá lo!

“Con tôi mang tật, bác sĩ (BS) bắt mổ cho dù cháu mới 14 tháng tuổi, sợ gây mê mai mốt cháu học không được. Chắc không nên các mẹ nhỉ?” – một người trong nhóm bà mẹ có con nhỏ gợi vấn đề trên Facebook. Câu chuyện nóng lên khi một bà mẹ khác góp chuyện: “Con tôi còn khổ hơn, bị tật đi đứng khó khăn mà đến 3 tuổi BS vẫn chưa cho mổ, lo quá!”…

Mổ sớm hay muộn tùy bệnh

Nếu trong các trường hợp chỉ định mổ cấp cứu, cha mẹ dễ dàng gật đầu với BS vì sự sống của đứa trẻ thì với các cuộc phẫu thuật điều trị dị tật hay các bệnh không thể trì hoãn, họ lại hay băn khoăn. Người mong con được mổ sớm vì sợ để lâu tật sẽ nặng, người lại cố chờ đợi cho bé “cứng cáp” hơn.

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã triển khai loại hình phẫu thuật điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay, tức một bên cánh tay bị yếu liệt do sang chấn lúc sinh và một số nguyên nhân khác. Các BS đã nhiều lần thông qua các phương tiện truyền thông giải thích rõ “thời gian vàng” của dạng phẫu thuật này chỉ nằm trong khoảng 3-9 tháng tuổi và ca mổ được BHYT chi trả hoàn toàn, thế nhưng, họ vẫn thường xuyên gặp những bệnh nhi có độ tuổi lớn hơn và đành từ chối bởi nếu có phẫu thuật thì khả năng phục hồi hầu như không còn. “Chờ con lớn một chút cho an tâm” là lý do được hầu hết các phụ huynh đưa ra trong những trường hợp chậm trễ như vậy.

Bé tươi tỉnh ngay sau cuộc phẫu thuật điều trị sứt môi – hở vòm bằng phương pháp gây tê tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Trái lại, có những tình huống phụ huynh cứ mong con được mổ sớm trong khi với loại bệnh đó, cần chờ cho trẻ lớn lên ở một độ tuổi nhất định. “Ví dụ, nhiều phụ huynh có con bị chân vòng kiềng nặng, vẹo gối, dị tật vận động do bại não… thường mong cho con được phẫu thuật sớm nhưng với những dạng tật chỉnh hình này, trẻ chỉ được phẫu thuật sau 4 tuổi do cần có thời gian theo dõi, tập luyện, áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn trước khi giải quyết những vấn đề cơ bản. Trong một số trường hợp, trẻ có thể phục hồi nhờ điều trị bảo tồn mà không cần phẫu thuật” – BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, giải thích.

BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng hàm mặt và Phẫu thuật tạo hình BV Nhi Đồng 1, cho rằng với các trường hợp trẻ sứt môi – chẻ vòm thì độ tuổi phẫu thuật lý tưởng là từ 12 đến18 tháng tuổi. Nếu để quá 18 tháng, khả năng phát triển ngôn ngữ của bé có thể bị ảnh hưởng, như trẻ có thể nói ngọng do cấu trúc bất thường của vùng môi – vòm họng. Dạng phẫu thuật này nếu thực hiện trước 12 tháng tuổi có thể gây ức chế sự phát triển khối xương hàm trên, tạo ra dạng mặt trán nhô, cằm nhô, giữa khuôn mặt lại lõm vào.

Nhiều cách mổ an toàn

Nhiều phụ huynh nghi ngại việc cho con mổ sớm vì lo trẻ không chịu nổi ca mổ hoặc sợ “mai mốt học không nổi” do việc gây mê ảnh hưởng đến trí não của trẻ. Tuy nhiên, theo hầu hết các phẫu thuật viên, chuyên gia về gây mê – hồi sức, với kỹ thuật hiện nay ở nhiều BV lớn tại Việt Nam, việc gây mê – hồi sức bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ và không có gì đáng ngại.

Theo BS chuyên khoa I Vũ Quyết Mạnh, Trưởng Khoa Gây mê – Hồi sức BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, việc trẻ phải phẫu thuật ở độ tuổi nào sẽ do BS quyết định và tùy thuộc vào loại bệnh hay tật mà trẻ mắc phải. Còn với công đoạn gây mê – hồi sức trong ca mổ, không hề có độ tuổi giới hạn. “Chúng tôi từng gây mê cho những đứa bé vài tháng tuổi cũng như cụ già trên trăm tuổi” – ông cho biết.

Theo ghi nhận tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, nhóm trẻ nhỏ sau các cuộc mổ chỉnh hình thường tỉnh khá nhanh, ít có các dấu hiệu ảnh hưởng bởi thuốc mê như nôn ói, li bì. BS Mạnh giải thích việc gây mê kết hợp với gây tê sẽ giúp giảm được lượng thuốc mê và kiểm soát cảm giác đau ở vùng phẫu thuật của bệnh nhân tốt hơn, từ đó hạn chế các phản ứng bất lợi của cơ thể do cảm giác đau này.

BS Nguyễn Văn Đẩu cho biết một số cháu bé phải phẫu thuật dạng tật sứt môi – hở vòm có yếu tố không đủ điều kiện để gây mê, thay vào đó thường được chỉ định gây tê. Lúc ấy, cha mẹ sẽ nằm trên bàn mổ và giữ bé trên người để cố định và giúp trẻ bình tâm. Tuy phương pháp này khiến phẫu thuật viên gặp khó khăn vì vừa mổ vừa phải dỗ trẻ (thường quấy khóc vì sợ) nhưng các cuộc mổ thường diễn ra an toàn.

Theo BS Nguyễn Văn Đẩu, trước một cuộc phẫu thuật cho trẻ em, ngoài việc cân nhắc kỹ độ tuổi phù hợp với loại bệnh tật cần xử lý, nhiều yếu tố khác cần xem xét như cân nặng, tình trạng sức khỏe toàn thân, bệnh sử, các kết quả xét nghiệm trước mổ…

Bài và ảnh: ANH THƯ

Nguồn Người lao động

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận