Tỵ châm
Tỵ = Mũi. Châm là phương pháp phòng và trị bệnh bằng cách kích thích vào các huyệt (vùng) ở mũi có liên hệ đến cơ quan tạng phủ
Châm = dùng vật nhọn châm hoặc kích thích vào.
Tỵ Châm là phương pháp phòng và trị bệnh bằng cách kích thích vào các huyệt (vùng) ở mũi có liên hệ đến cơ quan tạng phủ. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng, phương pháp này ít dùng để trị liệu mà chỉ dùng trong châm tê để giải phẫu.
Lịch Sử
Theo Y học cổ truyền
Thiên ‘Ngũ Duyệt Ngũ Sứ’ (Linh Khu 37) viết: “Mạch xuất hiện nơi khí khẩu, sắc hiện ra ở Minh đường (Mũi) nhằm xét được khí của Ngũ tạng. Phần trái, phải, cao thấpcó bộc lộ được sự tương ứng về hình dạng không? Kỳ Bá trả lời: “Phủ tạng nằm bên trong cơ thể con người, mỗi tạng phủ đều nằm theo thứ lớp của mình, trái, phải, cao, thấp đều theo đúng với mức độ của mình”
Thiên ‘Ngũ Sắc’ (Linh Khu 49) viết: “Lôi Công hỏi: “Ngũ quan được phân biện như thế nào?”. Hoàng Đế đáp: “Phần cốt cao của Minh đường nổi bật lên (mũi), phần bình của Minh đường thì thẳng, đó là tượng trưng của ngũ tạng theo đúng vị trí ở trung ương, lục phủ nương vào hai bên…”.
Sách ‘Tố Vấn’ viết: “Ngũ khí nhập vào mũi, tàng ở Tâm, Phế…”.
Sách ‘Sang Dương Toàn Thư’ viết: “Mũi ở chính giữa mặt, là nơi vận hành huyết của toàn thân”.
Như vậy, có thể thấy vùng Mũi có liên quan mật thiết với hoạt động của khí huyết toàn thân và Tâm, Phế…
Theo Y học hiện đại
Từ năm 1929, trong tác phẩm ‘L’Action Directe Sur Les Centres Nerveux Centrothérapie’, P Bonnier đã nêu ra được sự liên hệ giữa phần bên trong mũi đối với các cơ quan tạng phủ (xem hình), từ đó, ông hình thành được một phương pháp điều trị bằng cách chấm thuốc Nitrat bạc vào các vùng ở mũi để điều trị bệnh lý ở một số tạng phủ, cơ quan liên hệ. Tuy nhiên phương pháp này đã bị quên lãng sau khi ra đời được ít lâu.
Cơ Chế Huyệt Vị Ở Mũi
Theo sách ‘Châm Cứu Học Thượng Hải’ (1974), có tất cả 38 huyệt ở 3 tuyến ở mũi, gồm 8 huyệt đơn và 15 huyệt kép. Trừ huyệt Tinh hoàn phân bố ở hai bên của đường 1 ra, 36 huyệt đều phân bố trên 5 đường.
Có thể chia mũi làm 3 tuyến ( 5 đường).
. Tuyến thứ nhất: Chính giữa, dọc theo sống mũi, từ trán đến đầu trên của nhân trung. Tuyến này tương ứng với các tạng của Y học cổ truyền.
. Tuyến thứ hai: từ đầu khoé mắt trong, theo rãnh hai bên sống mũi xuống đến cuối cánh mũi, hai đường ở bên phải và trái, liên quan đến các Phủ (theo Y học cổ truyền).
. Tuyến thứ ba: từ đầu trong lông mày xuống phía ngoài tuyến thư hai nửa cm, tới phía ngoài cuối chân cánh mũi. Hai đường ở bên phải và trái, liên hệ đến các cơ quan, bộ phận ở bên ngoài cơ thể.
Hiện nay các nhà nghiên cứu đã thống nhất 23 tên huyệt ở mũi.
A. TUYẾN THỨ I : Từ trán đến đầu trên Nhân trung, gồm có 9 huyệt.
1. Đầu Mặt (Thủ Diện – Tête et Face)
Vị trí: Ở chính giữa trán. Từ giữa 2 đầu chân mày đến giữa chân tóc trước, chia làm 3 đoạn (người hói trán thì khoảng này tương đương 3 thốn), huyệt ở giữa phần 1 và 2 (từ trên xuống).
Tác dụng: Các bịnh vùng đầu, não, mặt, thần kinh, suy nhược, hay quên, kém ngủ.
Ghi chú: Tương ứng h. Ngạch trung của Thể châm.
2. Yết hầu (Viscère du cou)
Vị trí: Giữa h. Đầu mặt và h. Phế, trên đoạn chia như h. Đầu mặt, huyệt ở giữa phần 2 và 3 (từ trên xuống).
Tác dụng: Họng viêm, ho, sốt.
3. Phế (Poumon)
Vị trí: Giữa 2 đầu chân mày.
Tác dụng: Các bịnh phổi, ho, suyễn, ngực đau, sốt, co giật .
Ghi chú: Tương ứng h. Ấn đường của Thể châm.
4. Tâm (Coeur)
Vị trí: Ở khoảng giữa 2 đầu (khoé) mắt trong.
Tác dụng: Bịnh tim mạch, đánh trống ngực, nhịp tim rối loạn, sốt, co giật, kém ngủ, hay quên.
Ghi chú: Tương đương h. Sơn căn.
5. Can (Foie)
Vị trí: Ở chỗ cao nhất nơi sống mũi, tại giao điểm của đường thẳng dọc sống mũi và đường ngang nối 2 mỏm xương gò má.
Tác dụng: Các bịnh Gan, mật, vàng da, chóng mặt, mắt đau, sườn đau.
6. Tỳ (Rate)
Vị trí: Chính giữa bờ trên đầu mũi, giữa h. Can và h. Thận.
Tác dụng: Bịnh đường tiêu hóa, chán ăn, kém ăn, khó tiêu, bụng đầy, bụng trướng.
7. Thận (Rein)
Vị trí: Đỉnh nhọn (chóp) của mũi.
Tác dụng: Bịnh Thận, bịnh sinh dục, lưng đau, di tinh, suy nhược sinh dục, thần kinh suy nhược.
8. Sinh Dục Ngoài (Tiền Âm – Organes Genitaux Externes)
Vị trí: Tận cùng của vách giữa mũi, ngay đầu của Nhân trung (sát với chân mũi).
Tác dụng: Bịnh ở sinh dục ngoài.
Ghi chú: Theo học viện Châm cứu Thượng Hải thì huyệt này ở đầu chót mũi thấy có hiệu quả hơn (theo tài liệu Châm Tê của Thượng Hải năm 1972).
9. Tinh Hoàn, Buồng Trứng (Cao Hoàn, Noãn Sào – Testicule, Ovaire)
Vị trí: Tại chóp mũi, 2 bên huyệt Thận.
Tác dụng: Bịnh ở sinh dục, kinh nguyệt, buồng trứng, suy nhược sinh dục.
B. TUYẾN THỨ 2 : Từ khoé mắt trong xuống cuối cánh mũi, bao gồm các huyệt “Phủ”. Có 5 huyệt :
10. Đởm (Vesicule Billiaire)
Vị trí: Cạnh ngoài h. Can, thẳng đầu (khoé) mắt trong xuống.
Tác dụng: Bịnh Gan, mật, vàng da, chóng mặt, mắt đau.
11. Vị (Estomac)
Vị trí: Cạnh ngoài h. Tỳ, thẳng dưới huyệt Đởm (đường khoé mắt trong thẳng xuống).
Tác dụng: Bịnh đường tiêu hóa, kém ăn, chậm tiêu, bụng đầy, trướng.
12. Tiểu trường (Grêle Intestine)
Vị trí: Chia khoảng dài cánh mũi làm 3 phần : huyệt ở giữa phần 1 và 2 (từ trên xuống), thẳng dưới huyệt Vị.
Tác dụng: Các bịnh đường ruột, đường tiểu.
13. Đại trường (Gros Intestine)
Vị trí: Chính giữa cánh mũi, thẳng dưới huyệt Tiểu trường.
Tác dụng: Trị bịnh đường ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón.
14. Bàng quang (Vessie)
Vị trí: Cuối cánh mũi (tận cùng vách cánh mũi), thẳng dưới h. Đại trường.
Tác dụng: Bịnh đường tiểu, bàng quang viêm, đái gắt, đái đêm.
C. TUYẾN THỨ 3 : Từ đầu trong lông mày đi xuống phía ngoài tuyến thứ 2, tới phía ngoài cuối chân cánh mũi. Có 9 huyệt :
15. Tai (Nhĩ – Oreille)
Vị trí: Đầu trong chân mày.
Tác dụng: Các bịnh tai : tai ù, điếc, sưng, thối tai.
16. Ngực (Hung – Thorax)
Vị trí: Dưới xương chân mày, trên hố mắt, thẳng h. Tai xuống.
Tác dụng: Các bịnh ở ngực, ngực đau, tức.
17. Vú (Nhũ – Sein)
Vị trí: Sát bên trên h. Tình minh (khoé mắt trong).
Tác dụng: Bịnh vú, tuyến vú viêm, thiếu sữa.
18. Gáy, Lưng (Hạng, Bối – Cou, Dos)
Vị trí: Phía dưới khoé mắt trong (h. Tình minh).
Tác dụng: Các bịnh gáy, lưng, cứng gáy, bịnh ở cột sống, sốt.
19. Thắt Lưng (Yêu Tích – Lombes)
Vị trí: Bên ngoài h. Đởm, phía dưới và ngoài h. Cổ, lưng thẳng ngay hốc tuyến lệ.
Tác dụng: Bịnh ở lưng, cột sống, thắt lưng, đau lưng, sốt.
20. Chi Trên (Thượng chi – Membre Superieur)
Vị trí: Ngoài h. Vị, phía dưới ngoài điểm Eo lưng.
Tác dụng: Các bịnh cánh tay, khớp vai, khuỷ tay, tay khó cử động.
21. Háng, Đùi (Khoả cổ – Region Inguinal)
Vị trí: Đầu trên chân cánh mũi, phía dưới và ngoài h. Chi trên.
Tác dụng: Các bịnh đùi, vế (đau, khó cử động…).
22. Gối, Cẳng Chân (Tất, Hĩnh – Genou et Jambe)
Vị trí: Chính giữa chân cánh mũi, dưới h. Đùi.
Tác dụng: Bịnh ở đầu gối (đau khớp gối, khớp gối sưng), cẳng chân đau.
23. Ngón Chân (Túc chỉ – Ottteils)
Vị trí: Cuối chân cánh mũi, dưới h. Gối, ngay với h. Bàng quang.
Tác dụng: Bịnh ở bàn chân, ngón chân, cổ chân.
BIỂU ĐỒ HUYỆT VỊ CỦA TỴ CHÂM
Tên Huyệt |
Vị Trí |
Tác Dụng |
Bàng |
Cuối cánh mũi (tận cùng vách cánh mũi), thẳng dưới huyệt Đại Trường. |
Trị bệnh đường tiểu, bàng quang viêm, tiểu gắt, tiểu đêm. |
Noãn Sào |
Tại chóp mũi, 2 bên huyệt Thận. |
Trị bệnh ở sinh dục, kinh nguyệt, buồng trứng, suy nhược sinh dục. |
Can |
Ở chỗ cao nhất nơi sống mũi, tại giao điểm của đường thẳng dọc sống mũi và đường ngang nối 2 mỏm xương gò má. |
Trị các bệnh gan, mật, vàng da, chóng mặt, mắt đau, sườn đau. |
Thượng Chi |
Ngoài huyệt Vị, phía dưới ngoài điểm Thắt Lưng. |
Trị các bệnh ở cánh tay, khớp vai, khủy tay, tay khó cử động. |
Đại Trường |
Chính giữa cánh mũi, thẳng dưới huyệt Tiểu Trường. |
Trị bệnh đường ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón. |
Thủ Diện |
Ở chính giữa trán. Từ giữa 2 đầu chân mày đến giữa chân tóc trước, chia làm 3 đoạn (người hói trán thì khoảng này tương đương 3 thốn), huyệt ở giữa phần 1 và 2 (từ trên xuống). |
Trị các bệnh vùng đầu, não, mặt, thần kinh, suy nhược, hay quên, kém ngủ. |
Đởm |
Cạnh ngoài huyệt Can, thẳng đầu (khoé) mắt trong xuống. |
Trị bệnh gan, mật, vàng da, chóng mặt, mắt đau. |
Hạng Bối (Ngực Lưng) |
Phía dưới khoé mắt trong (huyệt Tinh Minh – Bq.1). |
Trị các bệnh gáy, lưng, cứng gáy, bệnh ở cột sống, sốt. |
Tất Hĩnh (Gối Chân) |
Chính giữa chân cánh mũi, dưới huyệt Đùi. |
Trị bệnh ở đầu gối (đau khớp gối, khớp gối sưng), cẳng chân đau. |
Khỏa Cổ |
Đầu trên chân cánh mũi, phía dưới và ngoài huyệt Chi Trên. |
Trị các bệnh ở đùi, vế (đau, khó cử động…). |
Túc Chỉ (Ngón Chân) |
Cuối chân cánh mũi, dưới huyệt Gối, ngang với huyệt Bàng Quang. |
Trị bệnh ở bàn chân, ngón chân, cổ chân. |
Hung |
Dưới xương chân mày, trên hố mắt, thẳng h. Tai xuống. |
Trị các bệnh ở ngực, ngực đau, ngực tức. |
Phế |
Giữa 2 đầu chân mày. |
Trị các bệnh phổi, ho, suyễn, ngực đau, sốt, co giật. |
Tiền Âm |
Tận cùng của vách giữa mũi, ngay đầu của Nhân trung (sát với chân mũi). |
Trị bệnh ở sinh dục ngoài. |
Nhĩ |
Đầu trong chân mày. |
Trị các bệnh về tai : tai ù, điếc, tai sưng, thối tai. |
Tâm |
Ở khoảng giữa 2 đầu (khoé) mắt trong. |
Trị bệnh tim mạch, đánh trống ngực, nhịp tim rối loạn, sốt, co giật, kém ngủ, hay quên. |
Yêu Tích |
Bên ngoài huyệt Đởm, phía dưới và ngoài huyệt Cổ Lưng, thẳng ngay hốc tuyến lệ. |
Trị bệnh ở lưng, cột sống, thắt lưng, đau lưng, sốt. |
Thận |
Tại đỉnh nhọn (chóp) của mũi. |
Trị bệnh Thận, bệnh sinh dục, lưng đau, di tinh, suy nhược sinh dục, thần kinh suy nhược. |
Tiểu Trường |
Chia khoảng dài cánh mũi làm 3 phần : huyệt ở giữa phần 1 và 2 (từ trên xuống), thẳng dưới huyệt Vị. |
Trị các bệnh đường ruột, đường tiểu. |
Cao Hoàn |
Tại chóp mũi, 2 bên huyệt Thận. |
Trị bệnh ở sinh dục, kinh nguyệt, buồng trứng, suy nhược sinh dục. |
Tỳ |
Chính giữa bờ trên đầu mũi, giữa huyệt Can và huyệt Thận. |
Trị bệnh đường tiêu hóa, chán ăn, kém ăn, khó tiêu, bụng đầy, bụng trướng. |
Vị |
Cạnh ngoài huyệt Tỳ, thẳng dưới huyệt Đởm (đường khoé mắt trong thẳng xuống). |
Bệnh đường tiêu hóa, kém ăn, chậm tiêu, bụng đầy, bụng trướng. |
Nhũ |
Sát bên trên huyệt Tinh Minh (khoé mắt trong). |
Trị bệnh ở vú, tuyến vú viêm, thiếu sữa. |
Yết Hầu |
Giữa huyệt Đầu Mặt và huyệt Phế, trên đoạn chia như huyệt Đầu Mặt, huyệt ở giữa phần 2 và 3 (từ trên xuống). |
Trị họng viêm, ho, sốt. |
Nguyên Tắc Chọn Huyệt
Có thể chọn dùng cách lấy huyệt sau :
. Căn cứ vào các cơ quan tạng phủ bị bệnh để chọn huyệt tương ứng.
Thí dụ : Bệnh đau ở dạ dày, chọn huyệt Vị (Dạ dày).
.Dựa vào điểm phản ứng để lấy huyết, bằng cách dùng cán kim hoặc que dò ấn tìm điểm đau ở vùng tương ứng với bệnh lý của tạng phủ.
Thí dụ: Đầu gối đau, ấn tìm quanh vùng Đầu gối ở mặt, điểm nào đau nhất (phản ứng mạnh nhất), đó là huyệt cần chọn.
. Căn cứ vào sự thay đổi hình dạng (cứng, mềm…) hoặc mầu sắc (ửng đỏ hoặc có vết tích khác thường để lấy huyệt).
Thí dụ: Tiểu buốt, gắt… vùng huyệt Thận ở mặt có thể có vết ban đỏ nhỏ xuất hiện…
. Dựa vào biện chứng theo y lý Y học cổ truyền để chọn huyệt có quan hệ về sinh lý, bệnh lý với nhau.
Thí dụ: Dạ dày đau do Can khí uất kết, chọn huyệt Vị và Can. Bổ huyệt Vị (hoặc Tỳ), tả huyệt Can hoặc Đởm…
‘Phế chủ bì mao da lông’, do đó các vết thương ngoài da, bệnh da liễu, có thể chọn huyệt Phế để gây tê, điều trị.
‘Bổ Thổ sinh Kim’, để trị ho, châm bổ huyệt Tỳ (Vị), tả huyệt Phế hoặc Họng…
Cách Châm
. Chọn kim cho thích hợp, thường là loại kim ngắn (có chiều dài khoảng 2,4cm).
. Sát trùng kim và da vùng châm.
. Châm vào càng nhanh càng tốt vì da mặt mỏng, rất dễ đau.
. Để ý vùng châm có lớp da dầy mỏng ra sao để xác định yêu cầu châm. Các huyệt vùng trán, mũi, miệng thường châm xiên hoặc châm ngang. Huyệt vùng má có thể châm thẳng, không châm sâu.
– Huyệt ở Tuyến 1 : huyệt Thận và Sinh dục ngoài, châm thẳng, các huyệt khác, châm từ trên xuống dưới.
– Huyệt ở Tuyến 2 : Sau khi kim qua da, châm xiến về phía ngoài (Tuyến 3), hướng xuống phía dưới.
– Huyệt ở Tuyến 3 : huyệt Tai châm xiên về phía huyệt Tâm ; Huyệt Ngực châm xiên ra huyệt Vú. Các huyệt khác châm từ trên xuống dưới.
. Sau khi đắc khí, lưu kim 10-20 phút, 5-10 phút vê kim một lần. Không vê kim mạnh quá.
. Có thể dùng Mai hoa châm để kích thích.
. Ngày châm một lần hoặc cách ngày châm một lần. Bệnh cấp tính, đau nhiều, có thể châm hai lần trong ngày.
. Khoảng 10 lần là một liệu trình, sau một liệu trình, nghỉ 5-7 ngày rồi lại tiếp tục.
. Khi châm tê để mổ, phải vê kim liên tục hoặc xung điện với tần số 180-200 lần/phút, để 15 phút.
Chú ý:
+ Da vùng mặt mỏng, dễ nhậy đau cao, vì vậy cần thận trọng lúc châm kim vào, tránh châm sâu, không nên vê mạnh sẽ gây đau nhiều.
+ Nơi huyệt có sẹo, nên tránh châm để khỏi chảy máu hoặc đau.
+ Dùng điện châm: lúc đầu nên dùng cường độ nhẹ rồi tăng dần, dòng điện cần ổn định, tránh lúc mạnh lúc yếu sẽ gây đau và sợ cho người bệnh.