Nhiều phụ huynh thắc mắc, cứ sau 3 tháng hè lại thấy con mình “lớn nhanh như thổi”. Chuyên gia dinh dưỡng lý giải như thế nào về “hiện tượng” này?
Ba tháng cao hơn cả năm
“Em nuôi con trai chẳng mát tay hay sao ấy! Cả năm rồi chả chịu cao lên bao nhiêu, 3 tuổi mà chỉ cao hơn 90cm một chút, còi nhất lớp. Hôm đi xem con biểu diễn văn nghệ tổng kết năm học, nhìn con đứng cạnh các bạn cùng lớp mà thấy con mình lọt thỏm, còn thấp hơn cả các bạn nữ”, chị Hồng Duyên (ở Mỹ Đình, Hà Nội) than thở cùng chị gái.
Chị Duyên kể, sáng nào vợ chồng chị cũng gọi như gọi đò mà tận 8h con út của chị mới chịu mở mắt để đi học, chuyện tắm nắng từ bé đến lớn rất hiếm hoi. “Em cho con ăn uống đầy đủ, chăm sóc không thiếu gì mà vẫn cứ còi. Vợ chồng em đều đi ngủ muộn, lại không tách con ngủ riêng nên con theo “lịch” bố mẹ. Chuyện mải chơi đến tận 11h, có khi gần 12h vẫn thấy con say sưa điện tử là chuyện thường”, chị Duyên phân trần thêm.
Cũng là chuyện chiều cao của con, nhưng chị Hoàng Oanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại khác. Chị kể, hè năm trước, con trai chị 15 tuổi, chuẩn bị lên lớp 10. Để thưởng cho con trai thành tích thi đỗ vào trường chuyên thành phố, lại không nóng vội bồi bổ kiến thức cho con khi vào cấp 3, chị quyết định bớt lịch học thêm của con, chỉ tập trung cho con đi bơi, học tiếng Anh. “Cả năm con mải học hành đến tận đêm khuya, có đợt ôn thi đến 2h sáng mới ngủ, nhìn con cứ còi dí dị. Thế mà sau đợt nghỉ hè chuyển cấp, vào lớp 10, ai cũng bảo con cao hẳn lên một cái đầu, lấy thước đo cao hơn hẳn đến 5cm, nhìn dáng thanh niên lắm. Nuôi 3 tháng hè, còn hơn cả năm học”, chị Oanh nói.
BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, trong đó: 23% là do di truyền, 32% là do dinh dưỡng, hơn 40% còn lại thuộc về giấc ngủ và vận động. “Nếu không đảm bảo vấn đề dinh dưỡng hay di truyền, ít nhất vào mùa hè, các em cũng được hưởng hơn 40% để phát triển chiều cao”, BS Lê Thị Hải nói.
Còn theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong các yếu tố này, đến nay, di truyền là yếu tố không tác động được nhưng nhóm các yếu tố còn lại có thể tác động, cải thiện được.
Ngủ sớm, ngủ đủ mới hi vọng tăng chiều cao
BS Lê Thị Hải cho biết, theo sinh lý, hormone tăng trưởng (GH) được não bộ tiết ra mạnh nhất và đầy đủ nhất lúc trẻ ngủ say, khoảng từ 10 – 11h đêm đến 1 – 2h sáng. Mùa hè, trẻ không phải đi học nhiều, không căng thẳng bài tập, ngủ nhiều, ngủ sớm nên hormone tăng trưởng càng tiết ra nhiều. BS Lê Thị Hải phân tích: “Cũng trong mùa hè, trẻ được vận động thể dục thể thao nhiều, khiến hormone tăng trưởng được sinh ra vào buổi tối càng nhiều hơn. Đây là yếu tố tác động mạnh mẽ đến chiều cao. Điều này giải thích vì sao, cứ hết hè, rất nhiều cha mẹ ngỡ ngàng khi phát hiện con mình cao hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý theo BS Lê Thị Hải, với hầu hết các bé thấp còi đến khám dinh dưỡng tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi bác sĩ “điều tra” lịch sinh hoạt hàng ngày thì thấy, các bé đều ngủ rất muộn, sáng hôm sau 8 – 9h chưa dậy, bỏ qua thời điểm vàng để tắm nắng bổ sung vitamin D. Điều này là do bố mẹ không tạo cho con thói quen tốt, không hiểu được giá trị của việc đi ngủ sớm cho tương lai con em mình.
Theo BS Lê Thị Hải, có 3 giai đoạn quyết định đến quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Giai đoạn đầu tiên là trẻ trong bụng mẹ. Khi mẹ được đảm bảo chế độ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, bé sinh ra dài trung bình 50cm, nặng 3kg là tiêu chuẩn. Giai đoạn tiếp theo là trẻ từ 0 – 2 tuổi và cuối cùng là giai đoạn tiền dậy thì. Khoảng thời gian này kéo dài 3 năm, với trẻ em gái là từ 10 – 13 tuổi, bé trai từ 14 – 17 tuổi. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy trẻ em gái cuối cấp tiểu học thường cao hơn trẻ em trai.
Khi các bé dậy thì hoàn toàn (đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt ở nữ giới và xuất tinh lần đầu ở nam giới), quá trình phát triển chiều cao lại chậm lại. “Nếu giai đoạn tiền dậy thì, mỗi năm, trẻ có thể cao trung bình từ 8 – 15cm, có trẻ đột biến cao tới hơn 20cm thì đến giai đoạn sau đó, mỗi năm trẻ chỉ cao lên 1 – 2cm. Dậy thì càng sớm, trẻ càng phát triển chiều cao nhanh nhưng cũng đóng ổ khớp sớm. Về mặt lí thuyết, đến khi 25 tuổi, con người mới đóng khớp, không thể cao hơn được nữa”, BS Lê Thị Hải nói.
Còn PGS.TS Lê Danh Tuyên đặc biệt nhấn mạnh vai trò dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, tức là từ khi thụ thai cho đến 2 tuổi. 1.000 ngày “vàng” của bé được chia như sau: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ hai. “Đây là giai đoạn cần can thiệp tích cực để sau này người trưởng thành đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1.000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được”, PGS.TS Lê Danh Tuyên nói.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chiều cao trẻ em lúc 2-3 tuổi quyết định mức chiều cao khi trưởng thành. Theo đó, chiều cao của trẻ đo được lúc 2 tuổi bằng một nửa chiều cao lúc trưởng thành. Một nghiên cứu khác được các nhà khoa học tiến hành ở Guatemala cho thấy, một trẻ 3 tuổi bị thấp còi chỉ cao 81,2cm thì đến khi trưởng thành cao tối đa 158cm (dù được chăm sóc tốt về sau). Trẻ thấp còi nhẹ lúc 3 tuổi cao 89,3cm thì sau này chỉ đạt đến tối đa 167,3cm và trẻ bình thường lúc 3 tuổi cao 94,5cm, về sau trưởng thành cao 170,9cm. Với trẻ dưới 3 tuổi, trong năm đầu đời, trẻ tăng trung bình 25cm. Từ 1 – 3 tuổi, bé tăng thêm khoảng 10cm mỗi năm.
BS Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao. Hormone tăng trưởng giúp tăng chiều cao được tiết ra nhiều nhất với điều kiện bé đã ngủ sâu. Trong khi giấc ngủ sâu thường bắt đầu khoảng 1-2 giờ sau khi ngủ. Vì vậy, để trẻ phát triển được chiều cao, cha mẹ phải cho trẻ ngủ sớm trước 22h, trên 8 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi, thậm chí khi trẻ chưa đi học cấp 1, trẻ cần ngủ sớm hơn, thời gian ngủ dài hơn, trung bình từ 12 – 14 tiếng mỗi ngày”.
Thu Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn: giadinh.net.vn