Vị trí đứt dây chằng chéo trước (ACL)

Đã bao giờ bạn tự hỏi, nếu dây chằng chéo trước bị đứt thì nó sẽ đứt ở đâu. Có bao nhiêu hình thái đứt dây chằng chéo trước? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến hình thái đứt của dây chằng? Tại sao tổn thương dây chằng ở vị trí mâm chầy lại thường là bong điểm bám mà không bị đứt? ...Bài viết này xin giới thiệu sơ lược những hình thái đứt của dây chằng chéo trước và các yếu tố ảnh hưởng, trích dẫn từ bài viết nghiên cứu của chúng tôi đăng trên tạp chí chuyên nghành. Trân trọng

Dây chằng chéo trước bám từ mặt trong của lồi cầu ngoài đến diện gian mâm chầy. Về cấu trúc được thừa nhận rộng rãi, dây chằng chéo trước có cấu trúc hai bó. Hai bó này không căng và không chùng đồng thời, khi bó này căng thì bó kia chùng và ngược lại. Như vậy, dựa trên yếu tố giải phẫu, có 3 vị trí có thể đứt dây chằng, đó là:

Chỗ bám vào lồi cầu xương đùi

Thân dây chằng

Chỗ bám vào mâm chầy

Dựa trên vị trí tổn thương và hinh thái của tổn thương, tổn thương dây chằng chéo trước được chia thành 7 loại (class) theo phân loại của Gachter là:

A: Tổn thương ở thân dây chằng

B: Đứt dây chằng trong bao, còn nguyên màng hoạt dịch

C: Bong điểm bám mâm chầy của dây chằng

D: Đứt ở điểm bám lồi cầu đùi

E: Dây chằng đứt dính vào dây chằng chéo sau

F: Tiêu dây chằng

G: Có hình ảnh liền tại vị trí đứt

Những theo dõi trên nhóm bệnh nhân số lượng lớn của chúng tôi cho thấy một số đặc điểm là:

Tổn thương vị trí bám vào lồi cầu đùi thường gặp nhất, sau đó là thân dây chằng

Không gặp tổn thương đứt dây chằng ở vị trí bám vào mâm chầy mà chỉ gặp hình thái bong điểm bám (tức là tổn thương vào xương)

Hình thái hay gặp nhất là dây chằng bị tiêu sau khi đứt ( class F)

Các hình thái B, E, G cho thấy có hiện tượng liền.

Tại sao vậy?

Yếu tố giải phẫu là yếu tố đầu tiên được nhắc đến khi phân tích các hình thái tổn thương dây chằng. Cấu trúc giải phẫu điểm bám của dây chằng có 2 điểm đặc biệt. Thứ nhất là kích thước diện bám của dây chằng vào mâm chầy lớn hơn kích thước diện bám của dây chằng vào lồi cấu đùi khá nhiều do đó có thể hiểu là vị trí bám vào mâm chầy chắc chắn hơn là ở lồi cầu đùi. Thứ hai là cấu trúc giải phẫu diện bám vào mâm chầy của dây chằng khá đặc biệt, nó không đơn thuần là dây chằng bám vào xương như điểm bám ở lồi cầu đùi mà diện bám của dây chằng ở mâm chầy như 1 thể thống nhất của gân và xương có cấu trúc gồm 4 vùng chuyển tiếp nhau từ gân sang xương nên sự liên kết cực kỳ chắc chắn, vì vậy tổn thương thường gặp là bong điểm bám xương của mâm chầy chứ không gặp đứt dây chằng tại điểm bám như ở lồi cầu đùi.

Yếu tố giải phẫu chức năng là yếu tố thứ hai được nhắc đến. Do có cấu trúc hai bó và hai bó này không cùng căng, không cùng chùng. Dây chằng bị tổn thương thường trong trạng thái căng, do cấu trúc 2 bó nên không bao giờ toàn bộ dây chằng căng mà thường có 1 phần chùng vì vậy khả năng tổn thương toàn bộ dây chằng gặp với tần suất thấp hơn, thường do cơ chế chấn thương phức tạp mới gây tỏn thương ở thân.

Yếu tố thứ ba được nhắc đến là yếu tố thời gian. Nhóm nghiên cứu cho thấy đa số các bệnh nhân đến muộn, có mối liên quan chặt chẽ giữa yếu tố đến muộn và hiện tượng tiêu dây chằng. Khi dây chằng bị đứt, sự cấp máu từ 1 đầu không đủ để nuôi dưỡng toàn bộ dây chằng nên dây chằng sẽ bị tiêu đi.

Yếu tố cuối cùng được nhắc đến là vấn đề điều trị bảo tồn ngay sau khi chấn thương gối. Phân tích cho thấy nhóm có biểu hiện liền dây chằng (B, E, G) có liên quan với việc điều trị bảo tồn ngay sau chấn thương chặt chẽ. Như vậy, ngay sau chấn thương gối, điều trị bảo tồn vẫn có tác dụng giúp cho quá trình hình thành mô sẹo tại vị trí đứt. Việc hình thành mô sẹo này có thể giúp cho liền hai đầu đứt hoặc đầu đứt liền với thành phần lân cận (dây chằng chéo sau). Tát nhiên, việc liền về mặt giải phẫu không có nghĩa là thành công vì muốn thành công thì dây chằng phải có chức năng. Những trường hợp liền dây chằng (nhóm G) nhưng không có chức năng, còn gọi là dây chằng chéo mất chức năng (deficient ACL) thì vẫn có chỉ định mổ tạo hình dây chằng mặc dù trên phim cộng hưởng từ có thể vẫn quan sát thấy hình ảnh dây chằng. Tuy nhiên, việc điều trị bảo tồn vẫn đem lại cho bệnh nhân cơ hội có thể tránh khỏi phải phẫu thuật do đó, đứng trước những trường hợp chấn thương mới, việc cân nhắc điều trị rất quan trọng và phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sỹ, phân tích hình ảnh thương tổn và cơ chế chấn thương để có quyêt định phù hợp nhất.

TS Trần Trung Dũng

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận