Viêm cầu thận cấp tiên phát (VCTC) là bệnh viêm cầu thận lan toả sau nhiễm khuẩn, phần lớn sau nhiễm liên cầu tán huyết kiểu b nhóm A. Bệnh diễn biến lành tính, nhưng có thể gây ra một số biến chứng trong giai đoạn cấp dẫn đến tử vong.
Chẩn đoán xác định
Dựa vào tam chứng cổ điển
Phù: Thường phù nhẹ, bắt đầu từ mặt đến chân.
Tăng huyết áp: Thường tăng cả huyết áp tâm thu và tâm trương từ 10 – 20mmHg.
Tiểu ít, và đái máu đại thể hoặc vi thể.
Xét nghiệm nước tiểu
Có giá trị quyết định.
Có nhiều hồng cầu.
Protein niệu tăng, nhưng ít khi quá 2g/m2/24h.
Xét nghiệm máu
Ure và Creatinin huyết thanh bình thường hoặc tăng, nhưng mức lọc cầu thậnthường giảm.
Bổ thể toàn phần, yếu tố 3 của bổ thể (C’3) trong huyết thanh giảm trong giai đoạn cấp.
Kháng thể kháng dung huyết liên cầu (ASLO) thường tăng > 250 đơn vị Todd.
Điều trị
Trước hết phải phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.
Những trường hợp VCTC có biến chứng hoặc có nguy cơ phải được điều trị tạibệnh viện để theo dõi sát.
Thể VCTC thông thường (không có biến chứng)
Chế độ ăn và nghỉ ngơi:
Ăn nhạt trong khoảng 2 – 3 tuần.
Hạn chế lượng nước uống tuỳ theo số lượng nước tiểu nhiều hay ít.
Trẻ cần được nghỉ ngơi tại giường.
Kháng sinh: Nhằm loại trừ các ổ nhiễm khuẩn do liên cầu nhóm A.
Penicillin G 50.000 đv/kg/ng, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, trong 10 ngày.
Nếu trẻ dị ứng với Penicillin, thì thay bằng Erythromycin 25 – 30mg/kg, uống chia 2 – 3 lần ngay trước bữa ăn, trong 7 ngày.
Không dùng các kháng sinh nhóm aminosid hoặc các kháng sinh độc đối với thận khác.
Chăm sóc và theo dõi:
Hàng ngày cân, đo số lượng nước tiểu, huyết áp.
Giữ ấm và vệ sinh răng miệng và thân thể.
Tiêu chuẩn xuất viện:
Đa số trường hợp chỉ cần điều trị tại bệnh viện 10 – 14 ngày, khi hết các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm nước tiểu thuyên giảm.
Viêm cầu thận cấp có biến chứng tim mạch
(có dấu hiệu suy tim cấp hoặc doạ phù phổi cấp)
Chế độ ăn uống: Như thể thông thường.
Chăm sóc:
Chế độ hộ lý cấp I.
Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở thường xuyên cho đến khi hết suy tim.
Cho thở ôxy nếu cần.
Thuốc lợi niệu tác dụng nhanh:
Furosemid (Lasix): 1 – 2mg/kg tiêm tĩnh mạch.
Thuốc hạ áp tác dụng nhanh:
Nifedipin (Adalate) 0,25mg/kg/1 lần x 2 lần, liều tối đa 1 – 2 mg/kg/ng
Hoặc Hydralazin (Apresolin) 0,1 – 0,2mg/kg/1 lần, uống hoặc tiêm tĩnh mạch, 6 giờ 1 lần (tổng liều 1,7 – 3,5mg/kg/24giờ).
Nếu bệnh nhân có mạch nhanh không suy thận, suy tim cấp có thể cho uống propranolol 1mg/kg/lần x 3 lần/ng.
Thuốc trợ tim:
Digoxin: 0,04 mg/kg/ng, tiêm tĩnh mạch 1/2 liều, sau 8 giờ tiêm lần lượt 1/4 liều (khi nhịp còn trên 90 lần/phút).
Thể viêm cầu thận cấp gây phù não
(Co giật toàn thân, hôn mê)
Chế độ ăn uống: Như trên.
Chăm sóc: Chú ý đề phòng cắn phải lưỡi. Làm thông thoáng đường thở.
Thuốc lợi niệu: Như trên
Thuốc hạ huyết áp: Nifedipin (A alat) như trên. hoặc: Diazoxid 3 – 5mg/kg/lần, tiêm tĩnh mạch.
Nếu không có kết quả, có thể tiêm nhắc lại sau 30 phút.
Chống co giật:
Diazepam (Seduxen, Valium) 0,2 – 0,3mg/kg tiêm chậm vào tĩnh mạch, liều tối đa 1 lần là 10mg.
Magie sulfat 15% – 0,3ml/kg, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm.
Viêm cầu thận cấp thể vô niệu hoặc suy thận cấp
Chế độ ăn: Hạn chế muối và Protid, tối đa 1g/kg/ng, nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu năng lượng tối thiểu 50 cal/kg/ng.
Chú ý cân bằng lượng dịch cho vào và thải ra hàng ngày.
Thuốc lợi niệu: Furosemid liều cao tiêm tĩnh mạch, 3 mg/kg/lần x 3 lần/ngày.