Xà phòng diệt khuẩn chứa chất cấm gây hại như thế nào?

Mới đây, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm sử dụng 19 hóa chất trong sản xuất xà phòng diệt khuẩn, trong đó nổi bật nhất là chất triclosan và triclocarban. Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, ở Việt Nam, các loại xà phòng rửa tay chứa triclocarban và triclosan vẫn được bày bán rộng khắp tại các cửa hàng tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm có thành phần sát khuẩn triclocarban vẫn được bán. Ảnh: H.M

Thay đổi nội tiết

Theo đó, FDA đã cấm lưu hành trên thị trường đối với 2.100 sản phẩm có chứa 19 hóa chất diệt khuẩn, chiếm khoảng 40% số lượng trên thị trường xà phòng kháng khuẩn. Các nhà sản xuất tại đây sẽ có một năm để loại bỏ chúng khỏi sản phẩm hoặc ngừng bán ra thị trường.

Trao đổi với chúng tôi về chất triclosan, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Trường Đại học Y dược TPHCM) cho biết, đây là chất sát khuẩn đã được dùng từ năm 1972, được gọi là chất sát khuẩn vì triclosan có tác dụng diệt khuẩn và diệt vi nấm. Đây là hợp chất hữu cơ với công thức là 5-cloro-2-(2,4-diclorophenoxy) phenol.

Nhờ chứa clor và phenol mà triclosan có tính sát khuẩn. Nó diệt được vi khuẩn nhờ kết hợp và làm bất hoạt enzyme ENR là enzyme mà vi khuẩn rất cần để tổng hợp acid béo tạo vỏ bọc bao quanh con vi khuẩn. Con người không có enzyme ENR nên triclosan dùng ngoài (không uống) sẽ không ảnh hưởng tế bào cơ thể người. Triclosan với tác dụng diệt khuẩn đã được dùng như là một thành phần trong các sản phẩm như: Xà bông (hàm lượng triclosan từ 0,1 – 1%), kem đánh răng, nước xúc miệng, kem cạo râu, nước rửa tay, chất khử mùi hoặc làm chất tẩy uế dùng cho nhân viên y tế rửa tay trong phòng mổ.

Không phủ nhận khả năng làm sạch của nó, nhưng quá trình sử dụng lâu dài sẽ tích lũy trong cơ thể, gây tác hại khôn lường cho sức khỏe. Trước đó, đã có nhiều cảnh báo về chất triclosan và triclocarbon đối với các sản phẩm diệt khuẩn như nước rửa tay diệt khuẩn, kem đánh răng, xà phòng diệt khuẩn. Các nghiên cứu cho rằng, triclosan gây rối loạn hệ nội tiết, làm gián đoạn chức năng hoạt động của hệ thống miễn dịch. Nguy hiểm hơn, việc sử dụng thường xuyên những sản phẩm có chứa hai hóa chất này khiến nhiều loại vi khuẩn phải biến đổi để thích nghi, dẫn đến một số bệnh tật trở nên khó điều trị hơn vì vi khuẩn kháng thuốc.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cũng cho rằng, các hợp chất diệt khuẩn hữu cơ từ lâu đã được sử dụng. Hai hợp chất triclosan và triclocarban được sử dụng như một loại thuốc diệt khuẩn, được sử dụng rất nhiều trong sản xuất xà phòng, mỹ phẩm… Việc nước Mỹ cấm hóa chất này là do họ nghi ngờ nó gây rối loạn nội tiết, vô sinh, có khả năng gây ung thư. Bởi vậy, họ khuyến cáo người dùng không nên sử dụng vì còn nhiều hợp chất khác có tính năng diệt khuẩn tương tự nhưng lại an toàn hơn.

Với các sản phẩm hóa mỹ phẩm nói chung, người tiêu dùng cũng không nên lạm dụng hoặc quá tin vào công dụng của sản phẩm vẫn được quảng cáo. Đa số loại xà phòng diệt khuẩn đều có mùi thơm nên không loại trừ có chứa thành phần tạo hương. Mùi thơm ấy có thể được tạo ra từ bất cứ hợp chất hóa học nào, kể cả những hợp chất hóa học nguy hiểm. Nếu chứa Phthalates có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hoạt động của estrogen và androgen trong cơ thể con người. Ở hàm lượng thấp Phthalates vẫn có thể gây hại cho sự phát triển hệ sinh dục ở nam giới, tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.

Theo tìm hiểu của PV, hiện ở nước ta các loại xà phòng rửa tay chứa triclocarban và triclosan vẫn được bày bán rộng khắp tại các cửa hàng tiêu dùng. Phổ biến nhất là các thương hiệu: Clinsoap, Dr Clean, Gervenne… với đủ các mùi hương có công dụng vừa diệt khuẩn lại bảo vệ da tay. Ngay cả sản phẩm tắm gội toàn thân cho trẻ em của nhãn hàng D – nee nhập khẩu từ Thái Lan cũng có thành phần sát khuẩn triclosan.

Mức độ thẩm thấu qua da thế nào?

PGS.TS Trần Hồng Côn khuyên, mặc dù hai hóa chất này độc nhưng mọi người cũng không nên quá hoang mang. Tác hại nguy hiểm này chỉ đúng khi vào cơ thể trực tiếp với một lượng lớn qua đường ăn uống, còn để rửa tay chân, tắm giặt, triclosan và triclocarban chỉ có khả năng thẩm thấu qua da nên rủi ro thấp. Hàm lượng vào cơ thể có nhưng rất nhỏ khó có thể gây ra các tác động như nghiên cứu. Việc ảnh hưởng đến da như gây kích ứng, ngứa cùng tùy cơ địa từng người.

Thực ra, để diệt vi khuẩn nếu cứ rửa tay bằng xà phòng thường cũng đủ. Xà phòng có chất tạo bọt, chất hoạt động bề mặt khi gặp vi khuẩn đã tiêu diệt được vi khuẩn. Việc đưa thêm các chất diệt khuẩn vào làm tăng thêm khả năng diệt khuẩn cũng đúng nhưng cần tránh lạm dụng các chất này và phải chấp hành đầy đủ các tiêu chuẩn đã quy định hoặc đúng với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Các nhà sản xuất có thể thay thế hoạt chất này bằng nano bạc tổng hợp bằng phương pháp chiếu xạ gamma Co-60, sản xuất quy mô công nghiệp vừa an toàn, rẻ lại có khả năng kháng khuẩn cao.

Theo các chuyên gia, việc chúng ta rửa tay quá nhanh, không đủ thời gian quy định thì dùng xà phòng diệt khuẩn có rất ít tác dụng hoặc không mang lại lợi ích gì. Một nghiên cứu đã so sánh tác dụng diệt khuẩn của xà phòng thường và xà phòng có chứa triclosan trong điều kiện tương tự như khi chúng ta rửa tay và thấy rằng, với thời gian tiếp xúc với xà phòng là 20 giây, 2 loại xà phòng này có tác dụng giảm vi khuẩn tương tự nhau.

Nói cách khác, xà phòng diệt khuẩn cũng chỉ có tác dụng như xà phòng thường trong điều kiện rửa tay bình thường hàng ngày như hầu hết chúng ta thường thực hiện là chỉ rửa tay trong một vài giây. Rất ít người trong số chúng ta rửa tay đúng cách theo khuyến cáo trong vòng từ 30 giây đến 1 phút.

Quan trọng nhất vẫn là cách rửa tay thế nào cho đúng: Phải rửa sạch cả lòng bàn tay, mu bàn tay, cổ tay và từng ngón tay. Đây là một trong những bước quan trọng nhất để phòng bệnh và ngăn bệnh lây lan sang cộng đồng. Để đảm bảo an toàn, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp kiểm tra, giám sát phía sản xuất bởi người tiêu dùng khó tự kiểm tra các sản phẩm hóa mỹ phẩm.

Danh sách các chất mới bị FDA cấm trong xà phòng:

Cloflucarban, Fluorosalan, Hexachlorophene, Hexylresorcinol, Iodophors (Iodine-containing ingredients), Iodine complex (ammonium ether sulfate and polyoxyethylene sorbitan monolaurate), Iodine complex (phosphate ester of alkylaryloxy polyethylene glycol), Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine, Poloxamer – iodine complex, Povidone-iodine 5 to 10 percent, Undecoylium chloride iodine complex, Methylbenzethonium chloride, Phenol (greater than 1.5 percent), Phenol (less than 1.5 percent), Secondary amyltricresols, Sodium oxychlorosene, Tribromsalan, Triclocarban, Triclosan, Triple dye.

Hà My

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận