[Xoa bóp] Tự xoa bóp dưỡng sinh mùa xuân: Phương pháp bổ phế ích khí

Mùa xuân tiết trời ấm áp, tuy nhiên, nhiều khi cũng nóng lạnh thất thường, là mùa hay mắc các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên…

Mùa xuân tiết trời ấm áp, tuy nhiên, nhiều khi cũng nóng lạnh thất thường, là mùa hay mắc các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên… nên việc tăng cường sức đề kháng để phòng chống sự xâm nhập của ngoại tà gây bệnh là hết sức quan trọng.
Y học cổ truyền cho rằng, phế là tạng có chức năng làm chủ bì mao, tuyên phát vệ khí, bảo vệ cơ biểu, phòng ngừa ngoại tà xâm nhập. Phế khí có đầy đủ thì cơ biểu mới vững chắc và săn chặt, từ đó khiến cho tà khí khó bề xâm nhập. Phương pháp tự xoa bóp bổ ích phế khí ngày xuân cụ thể như sau:

– Dùng ngón tay trỏ day các huyệt Nghinh hương (ở điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi – mồm (nên cười để làm hiện rõ rãnh này mà xác định huyệt) ở cạnh hai bên cánh mũi, mỗi bên một huyệt), Ấn đường (điểm giữa đường nối hai đầu trong lông mày), Thái dương và Phong trì, mỗi huyệt 1 phút. Dùng ngón cái và các ngón còn lại của tay phải hoặc tay trái bóp khối cơ vùng gáy với một lực từ nhẹ đến mạnh chừng 2 phút sao cho đạt cảm giác tức mỏi.

Day huyệt thái dương và nghinh hương.

– Dùng nắm tay đấm vào huyệt Kiên tỉnh (cúi đầu để xác định 2 đốt xương gồ cao nhất là C7 và D1, huyệt nằm ở điểm giữa đoạn thẳng nối khe của 2 đốt xương này với mỏm cùng vai) chừng 20 lần, tay phải đấm vai trái và ngược lại.

– Vòng tay phải ôm lấy cổ sang vai trái hết cỡ, ngón tay giữa đặt ở đâu thì day ấn vị trí đó trong 1 phút (huyệt Phế du) rồi lại làm tương tự như vậy với tay trái. Tiếp đó, dùng ngón tay cái day các huyệt Đản trung (điểm giữa đường nối hai núm vú), huyệt Hợp cốc (ngón tay cái và ngón tay trỏ xoè rộng ra, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và 2 của ngón tay cái bên kia, để vào hố khẩu tay này, đặt áp đầu ngón cái lên mu bàn tay giữa hai xương bàn tay 1 và 2, đầu ngón tay cái ở đâu thì chỗ đó là huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức thấu sang phía ngón tay út), huyệt Túc tam lý và huyệt Dũng tuyền, mỗi huyệt 1 phút.

Phương pháp này có tác dụng bổ dưỡng phế thận, ích khí trừ phong, dùng để phòng chống các chứng đau đầu, tắc mũi, sổ mũi, hắt hơi, ho do cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên gây ra.

Day huyệt ấn đường.

Phương pháp khoan hung lí khí

Theo y học cổ truyền, ngực là nơi đường kinh can đi qua. Can khí thăng phát không đầy đủ sẽ dẫn đến khí cơ (tức là sự vận động thăng giáng ra vào của khí) không thông thoáng, can khí uất kết mà gây ra các chứng trạng căng trướng, đau tức vùng ngực rất khó chịu. Phương pháp xoa bóp khoan hung lí khí có thể giúp cho can khí thăng phát thuận lợi, giải trừ uất kết rất có lợi đối với những người mắc các bệnh gan mật, các chứng đau đầu chóng mặt, tinh thần uất ức, dễ cáu giận, hay buồn bực trong lòng. Cách làm cụ thể như sau:

– Dùng ngón tay giữa day ấn từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, dọc theo các khe liên sườn toàn bộ vùng ngực với một lực vừa phải sao cho có cảm giác tức nặng là được, mỗi bên 5 lần. Tiếp đó, day ấn huyệt Đản trung trong 2 phút.

– Dùng ngón tay cái và các ngón còn lại véo mạnh khối cơ trước nách bên đối diện 10 lần, làm cả hai bên phải và trái. Tiếp đó, khép các ngón tay lại, bàn tay hơi khum, vỗ nhẹ lồng ngực phía trước từ trên xuống dưới 30 lần, giữ hơi thở bình thường.

– Dùng rìa của bàn tay hoặc cả lòng bàn tay xát mạnh vào ngực theo chiều ngang 30 lần cho tới khi nào nóng lên thì thôi, có thể xoa thêm một chút dầu thơm cho dễ chịu. Sau đó, lại dùng cả hai bàn tay xát theo đường thẳng đứng, trở lên trở xuống 30 lần.

Ấn huyệt đản trung.

– Đấm huyệt Kiên tỉnh như phương pháp bổ phế ích khí. Tiếp đó, dùng ngón tay cái day ấn huyệt Nội quan (ở mặt trước cẳng tay, giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé, gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào phía trong cho nổi rõ khe cơ, trên nếp gấp khớp cổ tay 2 thốn, mỗi bên một huyệt) cả hai bên trong 1 phút.

Phương pháp này có tác dụng làm thư thái, khoan khoái lồng ngực, điều hòa phế khí, sơ can lý khí, dùng để phòng chống rất tốt đối với các chứng buồn bực trong ngực, đau ngực, khó thở, ho, hen suyễn, đờm đặc khó khạc ra ngoài…

ThS. Hoàng Khánh Toàn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận