Xông hơi để cải thiện tuần hoàn huyết dịch, thải độc cơ thể. Tại sao xông hơi làm tăng tuần hoàn huyết dịch? Và như vậy có lợi ích gì. Trên hệ tuần hoàn, máu tươi (đỏ, đầy chất dinh dưỡng) được tim bơm vào động mạch chủ, từ động mạch chủ máu được bơm đến các động mạch càng lúc càng nhỏ (tiểu động mạch) để đến tận cùng là các mao mạch.
Mao mạch là các mạch máu hết sức nhỏ, thành cực mỏng, len lỏi vào các mô và tế bào. Tại đây xảy ra quá trình trao đổi chất: khí oxy và chất bổ dưỡng từ mao mạch thoát qua thành mao mạch để vào nuôi dưỡng các tế bào, các chất thải (CO2 và chất bã – độc) chui vô mao mạch, rồi theo các tĩnh mạch từ nhỏ đến lớn dần, cuối cùng đổ trở vào tim. Từ tim, máu được bơm lên phổi, tại đây thải CO2 và nhận O2, rồi lại trở về tim. Một chu kỳ tuần hoàn mới lại bắt đầu. Đặc điểm của tuần hoàn là máu chỉ đi một chiều như mô tả ở trên.
Kích thước mao mạch rất nhỏ(*), các tế bào máu phải len lỏi xếp hàng đi qua. Khi xông hơi, sức nóng làm giãn nở các mao mạch một cách rõ rệt. Lòng mao mạch nở to, tạo một lực hút, hút máu từ các tiểu động mạch. Nói cách khác, tại mao mạch, hồng cầu và các chất dinh dưỡng tăng nhiều hơn, quá trình trao đổi chất từ đó cũng tăng nhanh chóng, nghĩa là sự nuôi dưỡng toàn thân được cải thiện.
Xông hơi làm tăng tiết mồ hôi, mà mồ hôi là một dạng nước tiểu loãng chứa các độc chất mà cơ thể cần thải ra. Lượng nước thừa của cơ thể (có nhiều ở người béo phì) đã nhân dịp này được tháo bỏ – một cách giảm cân nhẹ nhàng.
Huyết áp cũng được giảm nhẹ trong quá trình xông hơi. Quá trình cải thiện tuần hoàn máu khi xông hơi càng được đẩy mạnh nếu sau khi vừa xông hơi ta nhảy ùm xuống một hồ nước lạnh 10 độ C (hay dội nước lạnh)! Lập tức các mao mạch co lại, đẩy nhanh máu vào trong các tĩnh mạch, máu nhanh chóng trở về tim. Nói cách khác, tuần hoàn đã được kích thích tốt hơn. Nhưng cần lưu ý, việc muốn tiếp tục tăng tuần hoàn máu bằng cách ngâm trong hồ nước lạnh hay tắm lạnh sau xông hơi chỉ được thực hiện ở người khỏe mạnh, không bị cao huyết áp – tim mạch, hay đang bị các bệnh nặng.
Một cách khác, để cải thiện tuần hoàn huyết dịch, thay vì xông hơi, bạn có thể tắm “ba nóng hai lạnh”. Tắm ba nóng hai lạnh nghĩa là tắm làm năm đợt: dùng vòi sen tắm nước nóng, sau đó tắm lạnh, tiếp tục tắm nóng, lại tắm lạnh, và chấm dứt bằng tắm nóng. Mỗi đợt từ một đến hai phút. Lý do làm tăng tuần hoàn máu giống như xông hơi đã giải thích ở trên. Cần lưu ý tắm ba nóng hai lạnh cũng chỉ được thực hiện ở người khỏe mạnh, không bị cao huyết áp – tim mạch hay các bệnh cấp tính, mãn tính ở cấp độ nặng.
Sau khi xông hơi và tắm lạnh, nếu được, bạn tiếp tục việc xoa bóp toàn thân (body massage) thì không còn gì tuyệt vời hơn về mặt cải thiện tuần hoàn huyết dịch. Cải thiện tuần hoàn, đông y gọi là hoạt huyết, là một liệu pháp rất quan trọng để góp phần bảo vệ sức khỏe,, tăng cường chính khí (sức đề kháng), vì khi huyết dịch được lưu thông một cách thông suốt, không bị tắc nghẽn trong cơ thể thì hoạt động toàn thân được ổn định.
Nếu tuần hoàn bị ứ trệ, giống như tình trạng kẹt xe, thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và phát sinh các bệnh tật, bệnh nhẹ thì sẽ trở nên nặng hơn, đặc biệt là các chứng đau nhức.
Đông y có một câu nói bất hủ: “Thông bất thống, thống bất thông”, nghĩa là khi máu huyết được lưu thông tốt thì không có thống (đau bệnh), trái lại, khi đau bệnh (thống) thì có nghĩa là đã có sự tắc nghẽn (bất thông) ở đâu đó.
Tóm lại, xông hơi hay tắm ba nóng hai lạnh là một trong những phương pháp phòng bệnh tổng quát mà y học cổ truyền khuyến khích, là một liệu pháp hỗ trợ cho bệnh tật nói chung, đặc biệt là các chứng đau nhức, béo phì. Xông hơi đúng cách sẽ không có tác dụng phụ. Mỗi tuần, bạn nên xông hơi ba lần, mỗi lần 10-20 phút, nhiệt độ phòng xông hơi từ 50-60 độ (xông hơi khô, sauna); nếu xông hơi nước đừng để lượng hơi nước quá nhiều gây ngộp thở. Nếu sức khỏe không được tốt lắm thì không nên ngâm lạnh sau xông hơi hoặc “tắm ba nóng hai lạnh”. Cần thận trọng ở người cao huyết áp.
(*) Tổng diện tích mao mạch rất lớn = 6.300 mét vuông