Sáng 24-11, Bộ Y tế phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức giao lưu trực tuyến “Zika và các bệnh dịch nguy hiểm”. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, tính đến sáng 24-11, toàn TP đã có 69 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định.
Nỗi lo của thai phụ
Khá nhiều cặp vợ chồng có ý định có con và phụ nữ mang thai đặt câu hỏi liên quan đến Zika bởi mối lo về dị tật đầu nhỏ. Bác sĩ (BS) Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cho biết bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi truyền, có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Khoảng 60%-80% trường hợp nhiễm virus Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng nếu có là phát ban trên da, sốt, viêm kết mạc, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ…, kéo dài 2-7 ngày. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định virus Zika gây nên biến chứng thần kinh là hội chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillain Barré.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Thành Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, các thai phụ cũng không nên quá lo lắng bởi tỉ lệ ảnh hưởng thai khi nhiễm Zika chỉ vào khoảng 1%-10%, theo các nghiên cứu trên thế giới. Ảnh hưởng thường nặng nhất trong 12 tuần đầu vì hệ thần kinh bé mới được hình thành và phát triển, giai đoạn sau có thể ảnh hưởng nhưng không nhiều.
“Tốt nhất, các thai phụ nên đăng ký khám thai định kỳ ít nhất vào các thời điểm 12, 22, 32 tuần ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Hội chứng não nhỏ của thai nhi có thể phát hiện ở quý 2 (sau 18 tuần) bằng siêu âm thai” – BS Nguyễn Đức Khoa, Phó Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, khuyên. Ông cũng lưu ý, phụ nữ nhiễm Zika được khuyến cáo nên chờ sau 8 tuần kể từ khi nhiễm virus hoặc khởi phát bệnh mới nên có thai. Các báo cáo gần đây chỉ ra virus Zika tồn tại trong tinh dịch 188 ngày, trong nước bọt và nước tiểu 91 ngày nên nếu người chồng mắc bệnh thì đây là những con số mà các cặp đôi cần chú ý nếu đang lên kế hoạch có con.
Cũng trong vấn đề phụ nữ mang thai, BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, khuyến cáo việc phòng tránh các bệnh truyền nhiễm là vô cùng cần thiết trong suốt thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu. Không chỉ Zika, một số bệnh truyền nhiễm khác cũng cần quan tâm là Rubella, thủy đậu, cúm, sốt xuất huyết… Nên nhớ Rubella, thủy đậu, cúm có vắc-xin phòng ngừa và cần tiêm chủng trước khi có thai ít nhất là 1 tháng. Bệnh sốt xuất huyết và Zika chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt và hạn chế đi lại vùng có dịch bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, nên tham khảo ý kiến của BS đang quản lý thai để được tư vấn, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Cuối năm, nguy cơ nhiều bệnh
Theo BS Ngũ Duy Nghĩa, trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi nhiều và biên độ dao động lớn giữa các ngày trong tuần, giữa ngày và đêm, trong đó rõ nét nhất là sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, có thể ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em và người già. Đây là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh phát sinh, phát triển, trong đó phải kể đến các dịch bệnh đường hô hấp như cúm, hội chứng cảm lạnh, các bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus, sốt phát ban lây qua đường hô hấp như sởi, Rubella, adeno virus, thủy đậu, quai bị… Bên cạnh đó, một số dịch bệnh đường tiêu hóa cũng rất dễ xuất hiện, đặc biệt là tiêu chảy cấp do virus Rota ở trẻ nhỏ rất hay xảy ra vào mùa đông xuân.
Những ca được chẩn đoán là “sốt siêu vi”, vốn không loại trừ loại siêu vi đó là virus Zika hay sốt xuất huyết, cũng khiến người dân lo lắng. Theo BS Nguyễn Đức Khoa, khi được chẩn đoán sốt siêu vi thì có nghĩa là BS đã nghi ngờ bạn bị nhiễm một loại virus nào đó và tùy tình hình mà chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú. Nếu điều trị ngoại trú, người bệnh nên nhớ rõ và tuân thủ các hướng dẫn để đến ngay cơ sở y tế nếu bệnh không thuyên giảm hay có diễn tiến bất thường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, nhiễm virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có chiến lược phòng chống bền vững và lâu dài.
Sốt xuất huyết nguy hiểm hơn Zika!
Theo BS Nguyễn Thành Dũng, Zika có vẻ giống sốt xuất huyết nhưng một số biểu hiện lại khác. Zika phát ban đa dạng, gồ trên mặt da; sốt xuất huyết ít khi phát ban mà chỉ có đốm, chấm, mảng xuất huyết. Zika có viêm kết mạc mắt còn sốt xuất huyết thì không. Sốt xuất huyết thường sốt cao, Zika sốt nhẹ hoặc không sốt. Sốt xuất huyết có thể nặng và tử vong; Zika thường nhẹ, tự khỏi, không có tử vong, không biến chứng ở người không mang thai. Trẻ em nếu mắc Zika cũng giống như người lớn, không nặng hơn như nhiều người lo ngại.
Nguồn Người lao động